Cựu Tổng thống Nga Nga Boris Yeltsin

Ngày 23/4, cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã trút hơi thở cuối cùng sau nhiều năm vật lộn với căn bệnh tim. 76 năm cuộc đời ông đã đi vào lịch sử nước Nga với tư cách vị Tổng thống đầu tiên được bầu, song cũng là người bị chỉ trích đã làm cho Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, khi ông rời bỏ chính trường vào đêm giao thừa năm 2000 thì dư luận khắt khe đối với ông cũng dịu bớt, bởi ít nhất người ta cũng thấy đó là một nước cờ chính trị khôn ngoan. Ông đã có công dựng lên nhà lãnh đạo trẻ Putin, biết tự đảm bảo an toàn cho mình và sau cùng là cho một nước Nga mới tránh khỏi những khủng hoảng đáng tiếc.

Cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin.

Sự nghiệp chính trị thăng trầm

Boris Nikolaevch Yeltsin (1/2/1931-23/4/2007) sinh trong một gia đình nông dân tại làng Butka, quận Talitsa ở Sverdlovsk Oblast. Ông là vị Tổng thống đầu tiên của Nga và từng hai lần đảm nhiệm cương vị cao nhất này.

Năm 1955, ông tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành xây dựng tại đại học Bách khoa Ural ở Sverdlovsk. Từ năm 1955-68, ông lần lượt kinh qua các cương vị lãnh đạo trong ngành xây dựng như: đốc công công ty xây dựng Uraltyazhtrubstroi, Giám đốc xây dựng công ty Yuzhgorstroi, lãnh đạo Tổ hợp xây dựng nhà cửa Sverdlovsk. Sau đó, được sự tín nhiệm của đảng Cộng sản Liên Xô, ông bắt đầu làm việc trong bộ máy hành chính của Đảng, lãnh đạo đảng tại Ủy ban vùng Sverdlovsk.

Năm 1956, ông kết hôn với bà Naina Iosifovna Girina. Hai người sinh được hai cô con gái là Yelena (sinh năm 1957) và Tatyana (sinh năm 1959). Bốn năm sau, ở tuổi 30, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô.

Năm 1985-1987, trong vòng chưa đầy hai năm, ông được chỉ định vào Bộ chính trị, kiêm Bí thư thứ nhất Ủy ban thành phố Mátxcơva Đảng cộng sản Liên Xô nhờ sự đề bạt của Tổng bí thư Mikhail Gorbachev và Yegor Ligachev – Uỷ viên Bộ Chính trị theo đường lối cứng rắn. Trong thời gian này, nhờ những sáng kiến như: thường xuyên cải tổ làm sạch bộ máy nhân sự, nêu gương về phong cách làm việc tiết kiệm, giản dị, ông được coi như nhà cải cách đầy nhiệt huyết mang tinh thần quần chúng, gần dân. Lúc này, ông giành được sự tín nhiệm của đông đảo người dân Matxcơva.

Yeltsin và đối thủ chính trị Gorbachev

Cuối năm 1987, do đối đầu với Yegor Ligachev và Gorbachev – chính là hai người đã đề bạt ông, Yeltsin đã bị hất khỏi các cương vị lãnh đạo Đảng. Sau đó, trong phiên họp kín của Ban chấp hành trung ương ĐCS Liên Xô, ông đã chỉ trích công cuộc cải cách kinh tế của Tổng bí thư Gorbachev là quá chậm chạp và trì trệ. Sau sự kiện này, từ cương vị bí thư thứ nhất Ủy ban thành phố Mátxcơva, ông bị giáng xuống làm phó ủy viên thường trực Ủy ban nhà nước về Xây dựng.

Tháng 2/1988, ông bị đuổi khỏi Bộ Chính trị. Quá rối loạn và nhục nhã, ông từng có ý định tự tử.

Tuy nhiên, tháng 3/1989, Yeltsin bất ngờ được bầu vào Quốc hội Xô Viết với tư cách đại biểu của Mátxcơva.

Tháng 5/1990, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Nga (RSFSR). Tháng 7/1990, ông lại ra khỏi đảng.

Thế nhưng, trong cuộc bầu cử Tổng thống trực tiếp đầu tiên ở Nga – 12/6/1991, với 57% số phiếu bầu, ông đã đánh bại Nikolai Ryzhkov – ứng viên Tổng thống được Gorbachev hậu thuẫn để trở thành Tổng thống được bầu đầu tiên tại Nga.

“Công” và “tội” với nước Nga

Tháng 12/1991, cùng lãnh đạo Ukraina, Belarus ký thỏa thuận giải tán Liên bang Xô viết và thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Ngày 2/1/1992, sau khi Liên Xô tan rã, Yeltsin bắt đầu cho tiến hành chương trình cải cách kinh tế, tư nhân hóa ồ ạt các doanh nghiệp nhà nước. Nhiều nhà quan sát nhận định đây là chính sách cải cách mạnh mẽ cần cho nước Nga mới. Tuy nhiên, những cải cách tự do hóa này lại đi theo kiểu phương Tây, nên không những không tìm ra được lối thoát cho Nga mà còn quá “sốc và gây đau đớn”. Mặt khác, do khả năng quản lý của chính phủ khi đó còn yếu kém, cộng thêm với sự phá hoại của các thế lực thù địch, Nga nhanh chóng rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính, gây ra tình trạng lạm phát kéo dài.

Yeltsin và Yegor Gaidar (trái), kiến trúc sư của những cuộc cải tổ kinh tế năm 1992 của ông Yeltsin tại cuộc họp các Bộ trưởng các quốc gia độc lập thuộc Liên Xô cũ tại Tashkent, Uzbekistan.

Đam mê duy trì quyền lực Tổng thống mạnh, muốn tìm một lối thoát cho nước Nga ở những cải cách tự do hóa theo kiểu phương Tây, nhưng cũng chính vì thế mà có lúc, ông đã khiến nước Nga bị lâm vào tình trạng “không có vua” trong một thời gian dài.

Tình trạng kiệt quệ của nền công nghiệp trong nước đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ chính sách cải cách của Yeltsin. Năm 1992, Phó Tổng thống Nga, Aleksandr Rutskoy thậm chí còn gọi cuộc cải tổ của Yeltsin là “diệt chủng kinh tế”.

Mặc dù bị phản đối về chương trình kinh tế, đồng thời bị những người chống đối cáo buộc là tham nhũng, ông Yeltsin vẫn tiếp tục cuộc chiến chính trị với Xô-viết Tối cao và Đại hội đại biểu nhân dân Nga nhằm giành kiểm soát toàn bộ chính phủ, lĩnh vực hoạch định chính sách chính phủ, lĩnh vực ngân hàng chính phủ và tài sản chính phủ. Ưu thế chính trị của Yeltsin ngày một sụt giảm. Tháng 12/1992, hầu hết những người do ông hậu thuẫn đều bị thất bại trên chính trường.

Ngày 21/9/1993, ông ra nghị định giải tán Xô viết tối cao và Đại hội đại biểu nhân dân. Tuy nhiên, nghị định này trái với khoản 6 điều 121 Hiến pháp Nga, do đó, Xô viết tối cao đã tuyên bố tước bỏ chức vụ Tổng thống của Yeltsin, song ông lại giành được sự ủng hộ của Toà án hiến pháp, báo giới và quân đội. Trong suốt hai tuần lễ tranh giành quyền lực giữa Yeltsin với Xô viết tối cao, Nga chìm trong khủng hoảng chính trị. Để giải quyết vụ nổi loạn, Yeltsin ra lệnh cho quân đội nã pháo vào quốc hội, giết chết hơn 100 người.

Lúc này, viện Đuma Quốc gia Nga tiến hành bầu cử. Đảng “Sự lựa chọn của nước Nga” của ông Yeltsin bị thất thế trước Đảng Dân chủ Tự do Nga cánh hữu và Đảng cộng sản Nga. Song kết quả cuộc trưng cầu dân ý lại hoàn toàn ngược lại, cho phép thông qua hiến pháp mới mở rộng quyền lực Tổng thống.

Lạm dụng quyền lực mới gần như ở mức tuyệt đối (được quyền chỉ định, bãi miễn Thủ tướng cùng các thành viên chính phủ, thậm chí giải tán Đuma Quốc gia), Yeltsin đã có những quyết định không hợp hiến, khiến nhiều người Nga tức giận. Đó là quyết định bán hàng loạt ngành công nghiệp quốc doanh cho những người thân cận của điện Kremlin. Một loạt những người được đứng vào hàng ngũ lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước đều là họ hàng thân tín của ông. Có một điều mâu thuẫn khác ở Yeltsin là cuối năm 1991, ông kí kết hiệp ước tách Liên Xô thành Cộng đồng các quốc gia độc lập, nhưng khi Chechnya đòi độc lập, thì ông lại gây ra cuộc chiến năm 1994. Và cuộc chiến này có lẽ là sai lầm lớn nhất trong suốt quãng thời gian ông cầm quyền ở cương vị Tổng thống.

Năm 1996, ông Yeltsin lại một lần nữa đắc cử Tổng thống.

Trong cuộc Tổng tuyển cử Tổng thống Nga tháng 6/1996, ông lại một lần nữa thắng cử trước ông Gennadi Zyuganov – thủ lĩnh Đảng Cộng sản Nga. Nhiều người cho rằng ông giành được chiến thắng nhờ sự hỗ trợ tài chính từ phía các đầu sỏ chính trị, những người đã trở nên giàu có nhờ các mối quan hệ với bộ máy của Yeltsin.

Năm 1998, một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị xuất hiện khi chính phủ Yeltsin không thể trả nổi các khoản nợ các tổ chức tài chính quốc tế, gây ra tình trạng hoảng loạn trên các thị trường tài chính. Nước Nga vỡ nợ và đứng trên bờ vực nguy khốn.

Như vậy, Yeltsin là người có nhiều đóng góp cho nước Nga, nhưng cũng là người mắc những sai lầm phá hủy nước Nga. Trong những năm 1990, danh tiếng của Yeltsin bị sụt giảm đến mức trầm trọng (5%) bởi thời gian ông làm Tổng thống cũng là thời kì nước Nga chìm trong bất ổn và gần như hỗn loạn. Nhiều người nhớ đến ông như một vị Tổng thống lạm dụng vũ lực, quá dễ dãi với tham nhũng và quá tin vào bản thân mình.

Ngày 9/8/1999, Yeltsin cách chức Thủ tướng Sergei Stepashin, và là lần thứ tư, cách chức toàn bộ nội các. Trong cả cuộc đời mình, Yeltsin luôn nổi tiếng là người bốc đồng trong việc cách chức và cải tổ bộ máy nhân sự. Có một điều rất kì lạ là chính ông cho xoá bỏ cơ quan KGB, nhưng cũng chính ông sau đó lại chỉ định một cựu quan chức KGB – ông Putin – làm người kế nhiệm mình.

Những gì còn lại

Việc ông Yeltsin trở thành Tổng thống đầu tiên được bầu trực tiếp thực sự là một sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của nước Nga. Ông đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nền dân chủ hiện đại Nga – đảm bảo quyền tự do ngôn luận, sở hữu cá nhân, bầu cử đa đảng phái, mở cửa biên giới cho thông thương và du lịch.

Chính ông đã đẩy mạnh cải cách tự do thị trường, hình thành khu vực kinh tế tư nhân và mở cửa khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Về chính sách đối ngoại, Yeltsin đã đảm bảo sự độc lập của các vệ tinh từ thời Xô viết, thiết lập quan hệ nồng ấm với các nhà lãnh đạo châu Âu.

Ông Yeltsin trong một lần bốc đồng

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chính khách trong và ngoài nước Nga, di sản của Boris Yeltsin đã bị lu mờ vì sự suy thoái về chính trị và sức khỏe của ông. Trên cương vị nguyên thủ, ông Yeltsin cũng nhiều lần gây ra những vụ việc “phi nghi thức ngoại giao”, làm phá hoại uy tín lâu đời của nước Nga.

Năm 1994, trong chuyến viếng thăm Đức, cao hứng, ông đã “xung phong” trực tiếp chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. Tiếp sau đó, theo như lời kể của tướng Alexander Korzhakov, ông còn nổi xung cho người khênh ông Vyacheslav Kostikov – thư ký báo chí của Tổng thống – quẳng xuống sông Volga để làm nhục ông. Thậm chí, ông không xuống máy bay để tiến hành cuộc gặp chính thức với Thủ tướng Ireland Taoiseach Albert Reynolds chỉ vì ngủ quên.

Điều làm suy sụp hình ảnh của một vị Tổng thống Nga chính là chứng nghiện rượu của ông. Nhiều lần, ông đã say rượu trong những thời điểm và sự kiện có ý nghĩa trọng đại.Nói về chứng nghiện rượu của mình, có lần ông từng tâm sự: “Rượu là thứ duy nhất có thể giúp tôi thoát khỏi stress. Nó giúp tôi thoát khỏi cảm giác nặng nề, đầu óc nhẹ nhõm hẳn đi sau khi uống vài cốc và trong lúc cảm giác bay bổng ấy, tôi nghĩ mình có thể trở thành nhạc trưởng. Sau sự cố ấy, một nhóm cố vấn viết thư, bảo tôi rằng những hành vi như vậy đang gây tổn hại đến uy tín và công việc chung”.

Năm 1989, trong một lần tới Mỹ vận động cho hình ảnh chính trị xã hội mới của nước Nga, ông đã xuất hiện trước bục phát biểu với bộ dạng say xỉn.

Năm 1994, ông còn say đến mức suýt ngã khỏi máy bay. Strobe Talbott – Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ, còn tiết lộ, trong vụ ném bom Kosovo, Yeltsin đã quá say đến mức đề nghị gặp Clinton – khi đó là Tổng thống Mỹ – gặp nhau trên một chiếc tàu ngầm.

Ngày 31/12/1999, ông đã chọn Putin làm người kế nhiệm mình.

Yeltsin là người có tiền sử mắc bệnh tim. Các vấn đề cá nhân và sức khỏe của Yeltsin được các phương tiện truyền thông thế giới rất chú ý. Ông nhiều lần tiến hành phẫu thuật tim và đã lập kỉ lục thế giới Guinness là chính trị gia phải vào bệnh viện nhiều nhất.

Như vậy đến nay, mặc dù còn nhiều nhận định và đánh giá khác nhau về “công” và “tội” của Boris Yeltsin, nhưng có một điều không thể phủ nhận là ông là nhân vật chính trị quan trọng nhất trong buổi giao thời hậu Xô-viết. Hơn ai hết, chính ông đã mở ra một thời kì mới cho toàn thể nước Nga: thời kì chuyển mình để xây dựng một đất nước dân chủ hiện đại, tôn trọng tự do và quyền con người, đồng thời xây dựng nền kinh tế mới.

Đặc biệt, có lẽ di sản quý nhất mà Yeltsin để lại chính là quyết định lựa chọn người kế vị của ông: Tổng thống Putin. Ông đã thanh thản trao nước Nga cho một vị lãnh đạo tài ba đúng như lời ông nói: “Tôi đã đi tìm một người có ý chí sắt đá để có thể đẩy nước Nga tiến lên phía trước”.

Và lịch sử đang chứng minh điều đó.

Nguyễn Dung
Tổng hợp

Bình luận về bài viết này

Không có bình luận

Comments RSS TrackBack Identifier URI

Bình luận về bài viết này

  • “Tôi không lo lắng về những gì các đối thủ cạnh tranh đang làm; Tôi chỉ lo lắng về những gì chúng tôi đang làm”

  • Lịch

    Tháng Năm 2007
    H B T N S B C
     123456
    78910111213
    14151617181920
    21222324252627
    28293031  
  • Hình ảnh

  • Danh mục bài viết